Tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2023

24-07-2023 | 0 bình luận | 888 xem

Số lượng người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng tăng so với năm 2021 và 2022, 6 tháng đầu năm 2023 số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 12.370 người (tăng 36,29% so với 6 tháng đầu năm 2022).


I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP:

1. Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp: 12.370 người.

2. Số người nộp hồ sơ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 275 người.

3. Số người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 10.905 người.

4. Số người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 171 người.

5. Số người chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đi địa phương khác: 13 người

6. Số người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp: 316 người.

7. Số người tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp: 94 người.

8. Số người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp: 10.287 người.

9. Số người có quyết định hỗ trợ học nghề: 356 người.

Trong đó: Số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 356 người.

10. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm: 12.370 người.

11. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề theo quyết định : 261.981.076.514 đồng.

Trong đó:
+ Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp theo quyết định: 260.379.076.514 đồng.

+Số tiền hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: 1.602.000.000 đồng.

12. Vấn đề tổ chức triển khai thực hiện:

- Hiện tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng có trụ sở chính tại địa chỉ số 735 Nguyễn Văn Linh, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Trung tâm có cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, bàn ghế làm việc đồng bộ đáp ứng phù hợp với công việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm phục vụ người lao động, người sử dụng lao động đến liên hệ công việc.

- Số lượng cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ:

Tổng số cán bộ, nhân viên và người lao động đến ngày 30/06/2023 có 49    người. Trong đó có: 15 viên chức, 33 hợp đồng lao động không xác định thời hạn (trong đó 33 định suất về bảo hiểm thất nghiệp), 01 hợp đồng theo nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022.

- Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn BHTN:

Công tác tuyên truyền phổ biến chế độ chính sách pháp luật về BHTN được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như thông qua các đợt tập huấn của ngành, và hoạt động của Sàn giao dịch việc làm. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phổ biến chính sách BHTN trực tiếp cho các đơn vị, doanh nghiệp; phát tờ rơi, cấp tài liệu cho người lao động, niêm yết công khai những nội dung cốt lõi về chính sách BHTN tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm, cử cán bộ trực tiếp đến các khu công nghiệp lớn, phối hợp với báo, đài thực hiện đăng tải nội dung cơ bản về chính sách BHTN, tổ chức các buổi tập huấn trao đổi nâng cao trình độ khả năng chuyên môn xử lý nhanh chóng các trường hợp vướng mắc không để xảy ra tình trạng khiếu kiện do chậm, muộn trong quá trình giải quyết hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

          - Tổ chức thu thập, phân tích, đánh giá thực hiện BHTN:

Tổ chức thu thập phân tích đánh giá tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và gửi báo cáo định kỳ hàng tháng về Cục Việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

          - Sự phối hợp với các cơ quan có liên quan:

Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn lao động thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn đảm bảo thống nhất việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố tổ chức hội nghị đối thoại với 100 doanh nghiệp trên địa bản về thực hiện chính sách BHTN; tổ chức hội thảo tư vấn về chính sách BHTN cho người lao động thất nghiệp. Trực tiếp xác minh, thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp theo danh sách do Bảo hiểm xã hội cung cấp.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, CÁC GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ:

1. Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn:

- Số lượng người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng tăng so với năm 2021 và 2022, 6 tháng đầu năm 2023 số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 12.370 người (tăng 36,29% so với 6 tháng đầu năm 2022).

- Số người có quyết định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 10.905 người (tăng 45,23% so với 6 tháng đầu năm 2022).

Những tháng đầu năm 2023, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt hơn tuy nhiên tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động nên ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, khiến tình trạng thất nghiệp tại thành phố cũng như cả nước có xu hướng tăng lên. Kinh tế giảm sút, các doanh nghiệp ít đơn hàng, thiếu đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng nên đã cắt giảm lao động. Mặt khác công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm vẫn còn hạn chế nên lượng lao động sớm quay lại thị trường lao động ít do vậy nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao.

2. Các giải pháp để triển khai thực hiện:

Theo số liệu thống kê hàng năm thì thường các tháng cuối năm số lượng người lao động thất nghiệp có xu hướng gia tăng hơn so với đầu năm nên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng có một số giải pháp, kiến nghị như sau:

- Tiếp tục triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp, nhất là người lao động ở vùng sâu vùng xa, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động thất nghiệp và lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm giảm thiểu tỷ lệ lao động thất nghiệp.

- Chủ động đào tạo cán bộ tư vấn về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện hình thành kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, giải quyết chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp một cách nhanh chóng và chính xác theo quy định pháp luật.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp báo cáo tình hình biến động lao động và tham gia BHTN đối với người lao động theo định kỳ.

- Triển khai phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc báo cáo tình hình biến động lao động. Đồng thời tạo điều kiện để Trung tâm theo dõi tình hình biến động lao động và biến động ngành nghề của doanh nghiệp, hỗ trợ cho công tác đánh giá thông tin thị trường lao động.

- Triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hưởng BHTN, số hóa hồ sơ hưởng BHTN. Đảm bảo việc quản lý thống nhất, bảo quản an toàn hồ sơ, kết quả giải quyết chế độ hưởng BHTN và kết nối chia sẻ dữ liệu trong việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

 3. Những kiến nghị:

- Cần có phần mềm quản lý hồ sơ và chia sẻ dữ liệu về người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp thống nhất trên cả nước nhằm xác minh thông tin lao động khi đến nộp hồ sơ hưởng TCTN có vi phạm trong lĩnh vực BHTN hay không để làm căn cứ tư vấn tránh trường hợp người lao động gian dối.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng BHTN và phần mềm kết nối dữ liệu giữa BHXH Thành phố với Trung tâm dịch vụ việc làm để đẩy nhanh việc thực hiện hồ sơ điện tử theo chủ trương chung của thành phố.

- Tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất và máy móc thiết bị phục vụ cho việc số hóa hồ sơ, thực hiện đầy đủ việc lưu trữ thông tin, dữ liệu điện tử liên quan đến việc giải quyết chế độ BHTN phục vụ cho việc thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 2, điều 4 Nghị định 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

- Hằng năm tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp.


Trên đây là báo cáo 6 tháng đầu năm năm 2023 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn./.